GS.TS Nguyễn Duy Thịnh đã đưa ra những giải thích cụ thể về tác hại, hậu quả của việc sử dụng kháng sinh trong thực phẩm.
Đó là lời cảnh báo của chuyên gia hàng đầu về công nghệ sinh học và thực phẩm - GS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội - ảnh) khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về câu chuyện của những con tôm, con cá 'ngậm' kháng sinh trên thị trường.
Con người sẽ chết vì kháng sinh
Thưa GS, tại sao hiện nay người ta nói nhiều đến vấn đề kháng sinh thế?
- Thời gian vừa qua, vấn đề kháng sinh được đề cập rất nhiều rồi. Tất cả những bệnh chữa hiện nay, phần lớn là dùng kháng sinh. Không có kháng sinh, con người chết bằng những bệnh rất đơn giản thôi chứ không phải ung thư. Bây giờ mà kháng sinh không còn tác dụng nữa thì con người sẽ chết rất là nhiều, từ bệnh sốt cho đến nhiễm trùng, phẫu thuật… Bao nhiêu người phải mổ xẻ mà không có kháng sinh thì họ sẽ chết. Bởi vì người ta nhiễm trùng rất nhanh và không có khả năng cứu chữa được.
Vậy tại sao kháng sinh lại bị cấm dùng trong thực phẩm, thưa GS?
- Hiện nay có một điều là con vi sinh vật nó nhiễm trong cơ thể thì nó sẽ gây bệnh. Ở chừng mực nhất định, chưa đủ nhiều để gây bệnh thì nó nằm trong cơ thể chờ đợi. Liều lượng kháng sinh dùng trong y tế để diệt được con vi sinh vật thì rất là cao nhưng kháng sinh trong thực phẩm thì hàm lượng rất là thấp. Khi ăn thực phẩm có chứa kháng sinh, kháng sinh đi vào trong cơ thể, con vi sinh vật đó nó làm quen với thuốc, dần dần nó tìm cách chống lại, gọi là thích ứng.
Hiện tượng thích ứng của vi sinh vật đối với kháng sinh trong cơ thể con người ở nồng độ kháng sinh thấp, chưa đủ liều thì nó sẽ sinh ra hiện tượng quen thuốc, hay nhờn thuốc. Quen thuốc rồi thì nó sẽ cứ phát triển và gây bệnh. Lúc bấy giờ bác sĩ sẽ bó tay, không có thuốc trị nữa. Bởi vì kháng sinh mà chúng ta cho vào trong thực phẩm đó nó đã làm cho con vi sinh vật đó quen với thuốc rồi.
Lúc đó, chỉ có điều một là chúng ta chờ chết, hai là bác sĩ phải tìm ra những loại kháng sinh mạnh hơn rất nhiều kháng sinh thông thường. Lúc này người ta phải chạy đua đi tìm kháng sinh. Mà hiện tượng nhờn kháng sinh ngày càng phát triển, các loại thuốc trước kia có hiệu lực rất cao thì nay không có hiệu lực hoặc có hiệu lực cực kỳ thấp. Đó là một tình trạng đáng báo động hiện nay'.
Cụ thể hơn, ta ăn phải con tôm, con cá nhiễm kháng sinh thì nó sẽ làm hại mình theo kiểu gì?
- Con tôm nhiễm kháng sinh, ăn vào thì kháng sinh nó nhiễm vào cơ thể mình, ăn con tôm đó vào thì hệ vi sinh vật của cơ thể mình nó tập nhiễm với kháng sinh. Sau này, đến lúc anh ốm, anh đau sẽ không còn kháng sinh mà chữa nữa. Bản thân kháng sinh không gây bệnh cho cơ thể, chỉ làm cho đến khi anh bị bệnh thì kháng sinh không còn khả năng chữa nữa. Lúc đó anh sẽ chết chứ sao nữa?
Còn cái hại nào nữa không, thưa GS?
- Từ lâu, các nước đã cấm sử dụng kháng sinh trong sản xuất thực phẩm, trong chăn nuôi hoặc trong bảo quản thực phẩm. Kháng sinh dùng trong nuôi tôm, cá, động vật là bị cấm. Dù vậy,ở nước ta, hiện tượng, người chăn nuôi sử dụng kháng sinh vào trong thức ăn chăn nuôi là rất phổ biến.
Kháng sinh ấy đi vào cơ thể động vật, giúp cho cơ thể động vật khỏe mạnh, không bị ốm. Người ta dùng kháng sinh với tư duy kháng sinh để phòng. Khi đó, con vật sẽ ít bệnh. Đồng thời, sau khi giết mổ, thịt của con vật đó sẽ được bảo quản rất lâu, tốt hơn rất nhiều các chất bảo quản khác.
Thấy được cái mối lợi trước mắt, họ đua nhau sử dụng. Nhưng họ đã không biết rằng, chính việc đó đã gây hại khôn lường cho con người. Không chỉ về sức khỏe, mà nó còn gây hại cho chính các doanh nghiệp vì các nước tiên tiến trên thế giới có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm rất gắt gao, họ phát hiện ra dư lượng kháng sinh thì tất yếu họ sẽ không nhận hàng và trả lại.
Không cho ăn kháng sinh, vật nuôi vẫn nhiễm
Giáo sư có thể nói rõ hơn về hậu quả của việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi?
- Bộ Y tế và Bộ NN PTNT đã chỉ thị rất nhiều lần rằng không dùng kháng sinh trong chăn nuôi. Trên thực tế, đã có nhiều nơi thực hiện đúng chỉ thị này là không cho kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi nữa và cũng không dùng trong bảo quản thực phẩm nhưng vật nuôi vẫn nhiễm.
Bởi vì sao vậy, vì kháng sinh đấy đã dùng rất nhiều năm và rất nhiều lần, cho nên nó lưu trữ trong môi trường nước để nuôi. Nên nhiều trường hợp không cho kháng sinh nó vẫn cứ có. Ví dụ như cloramphenicol chẳng hạn. Nó có khả năng tồn tại rất lâu. Nó cứ ở trong nước đấy. Như thế là để lại hậu họa rất là lớn.
Cứ tiếp tục như thế này thì Việt Nam sẽ tự sát trong lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay gia nhập WTO hay TPP, chúng ta cứ hí ha hí hửng rằng hàng của chúng ta sẽ tràn ngập khắp nơi, nhưng mà không phải đâu. Các nước tiên tiến họ dựng lên hàng rào kỹ thuật. Hàng của họ, thì họ đưa vào mình rất dễ dàng.
Có 2 lý do dễ dàng, đó là họ kiểm soát rất chặt chẽ những chỉ số về an toàn thực phẩm, thứ 2 là Việt Nam mình 'gà mờ', không biết cách kiểm tra, nên rất nhiều hàng hư hỏng của họ vẫn vào Việt Nam được. Vậy thì trong khi hàng của họ rất dễ vào Việt Nam nhưng hàng của mình lại rất khó ra nước ngoài, dù đã có hiệp định tự do thương mại.
Thưa ông, từ 2014 - 9.2015 có đến 32.000 tấn thủy sản xuất khẩu, bị các nước trả về?
- Các nước tiên tiến họ dựng lên hàng rào kỹ thuật rất gắt gao. Trước kia dư lượng kháng sinh họ kiểm soát tính bằng một phần triệu, giờ họ nâng lên mức một phần tỉ thì Việt Nam chỉ có 'nhe răng ra mà cười' thôi. Vì chúng ta không kiểm soát được, họ thì kiểm soát được. Kháng sinh cloramphenicol tính bằng phần triệu, giờ tính bằng phần tỉ.
Nước mình thì cũng không có máy để mà phân tích hoặc có rất ít. Cứ nghĩ là vào TPP rồi thì hàng chúng ta khắp nơi, đừng có nhầm. Bởi vì hàng chúng ta chất lượng xấu là người ta đuổi về đấy. Chúng ta muốn làm ăn kinh tế mà cứ làm theo thói quen kiểu này thì chúng ta chỉ cung cấp cho chính dân chúng ta những thức ăn độc hại, chứ không mang ra ngoài được đâu.
Muốn giải quyết vấn đề nan giải này, cần phải làm gì, thưa ông?
- Cách xử lý duy nhất hiện nay là thay đổi nước nhiều lần để loại bỏ lượng kháng sinh tồn dư trong môi trường sống của thủy hải sản. Phải kiên trì thay nước, thay đổi môi trường. Nước vừa đổ ra, người khác lại mang đổ vào thì không được. Đã trót dùng kháng sinh bao nhiêu năm rồi, thì phải có quyết tâm thay đổi, phải cấu trúc lại môi trường. Thau chua, rửa mặn bằng hệ thống bơm nước ngọt. Mất công hơn rất nhiều nhưng không làm thì không sinh kế được. Chứ chả có phương pháp hóa học nào đâu.
Đối với người chăn nuôi, muốn vật nuôi nó không ốm, phải làm sao để không phải dùng đến kháng sinh?
- Bài toán hiện nay đặt ra là phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất đối với sản phẩm của mình. Có như thế chúng ta mới sẵn sàng mang sản phẩm của mình đi bất cứ nơi đâu. Đối với người nuôi, có nhiều cách làm cho con vật không ốm, đâu có phải chỉ dùng kháng sinh.
Nếu ốm thì uống thuốc, còn nếu không ốm thì đừng có uống thuốc. Con vật cũng thế. Tạo ra môi trường sạch để nuôi, giống sạch. Nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap trong chăn nuôi nước mình đã có rồi. Tuyên truyền nuôi an toàn. Đừng có lúc nào cũng nhăm nhăm kháng sinh cho vào mồm vật nuôi.
- Xin được cảm ơn ông!
0 nhận xét :
Đăng nhận xét